Sinh đứa con ra, không tự nhiên biến anh thành bố
Sau mấy tháng, bắt đầu thấy TA (giờ 5 tuổi, 3 tháng) có dấu hiệu tiến bộ rõ rệt. Bảng chữ cái đã thuộc và mỗi khi đọc, bác đánh vần vài chữ cái một lần, nàng ta đã nhớ và lẩm bẩm đọc theo rồi ghi ra.
Tuy thế, học với TA, vẫn có ngày như oánh nhau. Bác thử đủ chiến thuật và vẫn chưa thấy sự tiến bộ trong phương pháp cũng như tăng cường sự kiên nhẫn.
Bác chỉ mừng là cả hai đã tìm được lí do để cùng nhau học và trưởng thành từng tí một. Nhờ việc học mà cả hai dành thời gian cho nhau nhiều hơn. Nếu không có việc học với TA, bác đã không dành thời gian bên cháu, nhìn cháu tiến bộ từng chút một. Không có việc học với TA, bác đã không có ít nhất một bữa tối ăn theo routine- điều mà khi sống một mình, bác có thể cắt khi mải mê ngó cái gì đó. Và nhờ có sinh hoạt buổi tối như thế, hai bác cháu bắt đầu mở rộng chút ít sang việc tập thể dục với nhau sau đó.
Cảm giác thật khó có thể nói cho bố cháu hiểu một chuyện; tham gia vào việc tạo một đứa trẻ, bố cháu vốn dĩ đã “lao động rất ít”. Vài giây, vài phút, cho một sự thụ tinh, trong khi mẹ cháu phải làm hết phần việc còn lại trong hơn 9 tháng và rất nhiều ngày sau đó. Người cha không nhìn ra sự phân công lao động chênh lệch ấy như thế nào để bù đắp cho người vợ, thật đáng tiếc. Nhưng đáng tiếc, không quan tâm và gần gũi, anh ta sẽ mất rất nhiều sự kết nối với đứa trẻ từ khi nó còn nằm trong bụng mẹ.
Một đứa trẻ ra đời, người góp tinh trùng không thể ngay lập tức thành một người cha theo đúng nghĩa của nó. Càng không thể kể công mình như núi Thái Sơn. Phải thức đêm hôm chăm cho nó, khi nó khóc, dỗ dành khi nó hờn, nó sợ và thay bỉm, thay tã, giặt bỉm, giặt tã, đến cái chỗ nằm, hay thu dọn cái nhà cho thoáng mát, sạch sẽ cho đứa trẻ ở.
Rồi nó lớn dần, nó học các thứ. Đó là cơ hội tuyệt vời cho những người phụ huynh học lại điều mà học chưa từng học cùng con. Học cùng nhau, cùng lớn và kết nối. Bao nhiêu ngày vắng mặt thì phải cố gắng mà bù đắp. Có mặt tại ngôi nhà, không đủ mà còn phải tự hỏi chất lượng của sự có mặt ấy như thế nào. Đáng tiếc, từ lúc con bắt đầu học, bố chỉ theo được vài ngày rồi bỏ và dành thời gian với điện thoại và giao tế với bạn bè, đồng nghiệp- vốn dĩ đã mất đi 10 tiếng lại còn thêm cả vài tiếng bữa tối.
Có rất nhiều cách hỏi thăm một đứa trẻ thay vì việc hỏi con hôm nay thế nào, con vui không? Chơi và học cùng con là cách tốt nhất. Hãy chọn học một cái gì đó lâu dài như một môn võ, một môn thể dục thể thao nào đó, hay ngôn ngữ. Mang một giọt nước một lúc thì dễ. Mang đi cả một quãng đường mỗi ngày mới khó. Không có gì có hình hài, nếu mỗi ngày không dành cho việc đó một tí. Hãy nên cảm thấy mệt, và có lúc mất kiên nhẫn vì cảm thấy như thế mới là đang đúng hướng, vì nếu thực sự cam kết thực sự, sẽ cảm thấy như vậy. Nhưng rồi lại tìm cách khác và cố gắng. Đừng chọn việc nhẹ nhàng như hỏi han mà tự hào đã xong việc "làm bố", vì dù mình đã cố gắng hết sức, cam kết, mình vẫn đang làm việc rất nhẹ hơn so với người mẹ rất nhiều.
Đôi lúc, tự hỏi, các ông bố bà mẹ đã bao giờ nghĩ đến việc thực hành làm cha mẹ như một công việc nghiêm túc và cam kết như mình đang ưu tiên cho một vài thứ hiện thời?
Nói chuyện với một anh bạn, anh ta bảo “nhưng cánh nam giới lo làm việc lớn. Họ đầu tư vào các quan hệ xã hội và nghề nghiệp. Cậu ấy đang phấn đầu mà. Rồi có ngày cậu ấy sẽ bù đắp cho vợ con”.
Bù đắp bằng cách nào? Cho tiền hay tài sản ư?
Thực tế cho thấy rằng lời hứa hẹn này cũng không mấy người đàn ông hiện đại làm được khi đòi hỏi sự hy sinh của vợ và con cho ngày anh thành tài. Vì có người, khi đạt điều ấy, anh ta quá xa lạ với con và đồng thời cũng phản bội người bạn đời. Nhưng nếu không có làm thế, cho tiền và tài sản ư, những thứ đó cũng không thực sự bù đắp được với sự mất mát và hy sinh của người bạn đời và những đứa con.
Có một nhà nữ quyền mà mình mới xem về cô trong một bộ phim tài liệu nói “Nếu bạn hỏi bất kỳ một nhà nữ quyền nào đến từ thế giới Ả rập, họ sẽ nói cho bạn biết, họ không phấn đầu để ngang bằng với nam giới. Tại vì sao? Vì những gì nam giới có/phấn đấu có, không xứng đáng để đấu tranh”.
Một câu nói gây tranh cãi, nhưng ngẫm ra sẽ thấy rất nhiều điều có lí khi nghĩ đến giá trị. Lo việc lớn và phấn đấu cả đời trong công danh sự nghiệp, những người đàn ông như thế, lo lắng để có được những thứ như của cải, quyền lực, mối quan hệ và danh tiếng, nhưng anh ta sẽ không mua được tình yêu thương đủ đầy và sự kết nối thực sự từ những người thân yêu nhất, từ nội tâm của chính bản thân mình, hiểu được giá trị cốt lõi, chứ đừng nói đến người bên ngoài. Thậm chí anh ta chưa chắc đã hiểu ra ý nghĩa của những điều ấy, những điều không thể diễn đạt bằng lời.
Mình lớn lên, từ 6 tuổi đã phải trông em. Bảy tuổi lo dọn dẹp. 8 tuổi bắt đầu lo nấu cơm cho cả nhà, trông em, cắt rau, nấu cám cho lợn ăn. Bố mẹ vắng mặt ngay từ lúc còn sáng sớm tinh mơ. Bố đi mấy ngày mới về, đạp xe buôn bán giữa Thái Bình và Hà Tây. Mẹ đi chợ bán hàng từ sáng sớm. Có đứa con lớn, sớm nào cũng đánh thức, nhắc nhở làm cái nọ, cái kia và đến trưa trở về, hôm nào cũng bực tức vì mọi việc toàn làm sai ý.
Nhưng nhìn lại, mình có bao nhiêu khoảng thời gian lớn lên cùng bố mẹ và kết nối thông qua làm một việc gì đó cùng bố mẹ. Bố mẹ lôi mình ra dạy tát nước ngoài cánh đồng. Biết làm là bắt đầu đi làm cùng họ. Khi lao động, sẽ là lúc nghe chuyện. Mình đã nghe bao nhiêu chuyện về quê ngoại, về những nỗi uất ức của mẹ khi về sống ở Thái Bình –mẹ gọi là đất khách, quê người, và học lại mọi thứ từ đầu. Rồi nghe về những bài thơ mẹ thích. Nghe những thành tựu học hành của mẹ.
Bố hay chuyện, nhưng chỉ đến khi về già mới rõ khuynh hướng ấy. Nhưng mình luôn là đứa đi tát nước cùng bố. Ròng rã mất mấy năm, ngoài giờ học, mình đẩy xe cho bố chở đất, lấp đầy cái ao để có chỗ mở rộng cái bếp và sân phơi. Tâm sự thì ít, nghe quát tháo nhiều, nhưng cũng có những lúc bố buông lời khen hay động viên, khiến mình sướng rơn.
Bận rộn và lo cái ăn là thế, nhưng cả hai phụ huynh tội nghiệp đã cố gắng uốn nắn cho mình những bài học tập viết đầu tiên. Không chỉ một ngày!
Nhìn những đứa cháu lớn lên. Mình chỉ mong, các em học được đôi điều hay từ thế hệ trước và cố gắng bù đắp những gì mình ước rằng bố mẹ đã học bên mình.
Commenti