Bất bình đẳng và bạo lực vô hình
Có ảnh thực nhưng tự kiểm duyệt và dùng tạm ảnh mẹ mèo sau khi sinh vậy. Nếu chỉ post ảnh mẹ con nhà mèo, chắc chắn sẽ có nhiều người like hơn hahaha. Sinh ra làm con cái, khổ vãi ra, nhất là khi không thể kiểm soát được việc sinh đẻ của mình. Đẻ xong vài lứa là tã tượi. Lại còn chóng chết. Được khoác cho một cái tên mĩ miều. Thiên chức làm mẹ! bản năng làm mẹ! Okie, đẻ thì phải chịu rồi, nhưng còn tất cả những thứ khác xung quanh nó? Như loạt bài này kể về những hao tổn tâm lý, bất bình đẳng, bạo lực vô hình thì sao? Hy vọng những người nam, nữ, đừng duy trì nó! Xin đừng để phụ nữ gánh chịu một mình! Phụ nữ ơi, đừng gánh một mình khi chọn kết đôi! Những điều mình tin là tự nhiên, là đương nhiên ấy, tuy khó nhưng cá nhân mỗi người có thể chọn hành động khác đi.
Một nghiên cứu tại Sài gòn trong hơn 10 năm “Is It My Job to Make Him Care? Middle-Class Women and Gender Inequality in Ho Chi Minh City”[1] cho biết: ba lãnh địa mà những người phụ nữ trong nghiên cứu của cô chịu sự bất bình đẳng giới. Đó là tại nơi làm việc, tại nhà, và tham gia các hoạt động để duy trì những giá trị biểu tượng cho gia đình [trung lưu, thành phố] của họ.
Về công việc như trong bài trước đã nói; đi làm cũng mệt nhọc, thiệt thòi, khó theo kịp đồng nghiệp, nhưng nghỉ việc đặt người phụ nữ vào một địa vị hoàn toàn dễ bị tổn thương. Phụ thuộc hoàn toàn vào tài chính, sự thấu đáo, và sâu sắc của người chồng.
Nếu họ cố gắng duy trì công việc, họ phải cố lên gấp 3-4 bốn lần so với nam giới. Bởi lẽ, bất cứ điều gì hoạt động không ổn trong gia đình, họ sẽ bị đổ lỗi: dành quá nhiều thời gian cho sự nghiệp! Chồng cặp bồ thì sao? Do người phụ nữ hoặc tham công tiếc việc, hoặc không chịu chăm sóc làm đẹp cả vẻ bề ngoài lẫn tri thức và nội tâm. Nhưng nếu dành thời gian cho gia đình, họ cũng sẽ bị coi là ăn bám.
Chẳng phải vì thế mà rất nhiều những thông điệp truyền thông nói về phụ nữ phải “cân bằng” giữa công việc và sự nghiệp. Không được “quá”, ngoại trừ “cố” là một thứ dường như ai cũng biết nhưng hoàn toàn vô hình. Hãy thử tìm những câu trong báo chí hay khuyên nhủ đàn ông nên phấn đấu cân bằng giữa sự nghiệp và gia đình xem, bạn sẽ thấy con số hiện ra thế nào.
Công việc trong gia đình không chỉ gồm có việc nhà mà còn chăm sóc và nuôi dậy con cái. Rất nhiều người đàn ông đã không làm tốt, thậm chí hoàn toàn vắng mặt. Có những người có mặt thì việc đầu tư để nâng cao chất lượng công việc họ làm tại nhà cũng rất ít. Thuê người giúp việc thì chuyện hao tâm là một, còn về chất lượng là một chuyện khác. Những mâu thuẫn, nhưng lo toan liên quan đến người giúp việc trong gia đình, người phụ nữ cũng chịu nhiều hơn nam giới. Đấy còn chưa kể nỗi lo chồng tòm tem hoặc áp bức tình dục người ta. Cách truyền thông đưa tin tạo nên một nỗi lo sợ của những người phụ nữ trung lưu nơi thành thị. Tìm những người phụ nữ lao động trẻ, nhanh nhẹn thì sợ mất chồng. Còn tìm người lớn tuổi thì sự khác biệt quá lớn khiến nhiều việc không được như ý mình (2).
Ngay khi bắt đầu mang bầu và có con, người phụ nữ bắt đầu một công việc mà không một công việc nào vất vả như thế. Những nỗi đau về thể giác và tinh thần, không ai đau hộ được. Kể cả khi người ta yêu họ lắm. Mang thai và sinh con, hormone trong cơ thể thay đổi, ảnh hưởng trực tiếp đến cảm xúc và từ đó đến tinh thần người phụ nữ. Không cần làm gì, tổn thất về tâm lý (emotional cost) này đã không thể tính nổi. Quyết định có con với nhau là cả hai người cùng mong muốn và đưa ra, nhưng cái sự mất mát lên tinh thần và cảm xúc này, không mấy ai gánh vác hộ họ được.
Bạn đi làm 8 tiếng, 10 tiếng, 12 tiếng mỗi ngày. Khi về đến nhà, bạn có thể ngủ và thấy mình xứng đáng điều ấy. Người phụ nữ không có một giấc ngủ trọn vẹn, đặc biệt lúc đứa con mới chào đời. Nếu tôi là một người mẹ, tôi sẽ đòi hỏi được ngủ và đặt sẵn đồng hồ để ngủ khi đặt con sang tay một người giúp đỡ giùm tôi chừng một khoảng thời gian và nhất định bịt tai, khóa riêng tôi ra hi hi. Tôi cũng đảm bảo rằng, người đó cũng sẽ có một khoảng thời gian với giấc ngủ hay sự nghỉ ngơi trọn vẹn trong 2-3 tiếng. Có con nhỏ, những chi tiết linh tinh không thể đếm được, quay đi quay lại sẽ hết ngày. Tôi sẽ cố không trở thành hoàn hảo để có thể lo từng li từng tí mọi lúc. Tôi ít khi nghĩ đến mình có một nỗi sợ thành ám ảnh [deep dark fear]. Nhưng vài ngày thức đêm để viết bài, không ngủ đủ, khi ôm cháu bé, có lúc tôi đã sợ làm rơi cháu xuống đất. Đấy là tôi mới có một hai đêm không ngủ. Còn mẹ nó, một giấc ngủ đủ sẽ chỉ còn là một giấc mơ cho đến cả năm nữa.
Rất nhiều ông chồng khi đi làm về, ôm ấp, hôn hít con một lúc, chơi với nó 15 phút rồi ngủ đã thấy mình là chồng, là cha tốt. Rõ ràng chừng đó khác hẳn với việc bạn dành cho nó một khoảng thời gian đáng kể. Mang một giọt nước, chẳng là gì, hãy mang nó cả ngày xem, sẽ thấy sức nặng thế nào. Nhất là khi không gian của bạn chỉ có trong căn phòng nhỏ và vài bước đến phòng khách, bạn bị quẩn chân và bức bối. Bạn không thể nói nó là công việc nặng nhọc cho đến lúc bạn trải nghiệm đủ thời gian của việc một đứa bé lúc nó ị, lúc khóc, lúc vui, lúc gắt ngủ, mệt mỏi, rồi lúc nó ngủ ra sao. Ác mộng thực sự là nó buồn ngủ và ngủ không yên giấc. Một chị bạn kể con chị khóc dạ đề suốt mấy tháng. Nó khóc đủ sáu tiếng và không một người giúp việc nào chịu được. Nhà chị phải tìm người giúp việc liên tục. Người giúp việc còn chạy được, chứ người mẹ thì chịu chết! Chị bảo, hồi đó còn trẻ chưa biết nên mới dám đẻ, chứ sau trải nghiệm một đứa con, chị sợ chết khiếp.
Tuy nhiên, cũng cần nói là dù đó là một sự hao tâm tổn sức rất lớn nhưng đồng thời cũng có những điều tuyệt vời. Khoảng khắc ngắm nhìn đứa bé cười trong mơ hay sự thay đổi cá tính, lớn lên từng ngày của nó. Trải nghiệm đó còn làm mạnh mẽ hơn tình yêu thương. Nó sẽ làm giầu cảm xúc, tinh thần trong bạn. Công việc, dù có thể cố thêm, tham thêm một chút, thêm một chút tiền cũng không mua lại được thời gian mất đi bên đứa trẻ.
Sự kết nối đó cũng sinh ra hormone tương tự như lúc sữa tiết ra. Hormon đó được gọi là hormon tình yêu. Nó làm người ta hạnh phúc và quên đi những mệt mỏi. Vì thế, càng ít gần đứa trẻ, thì càng ít tình yêu thương [cho nó và mẹ nó]. Hãy nghĩ lúc ngồi bên bàn nhậu, những gì thu được là mối quan hệ, những hợp đồng, những thuận lợi, etc nhưng không cái nào sinh được nhiều hormone ocytocin như thế. Thứ đó làm giảm stress và tăng tình yêu thương- tiền không mua được.
Nhiều người trốn được sự chăm sóc con, nghĩ là được nhưng thực ra là không biết cái mất đó thôi. Trải nghiệm tình yêu thương gần như không điều kiện với một người (lạ) - một đứa trẻ mới sinh, còn chẳng biết biểu lộ sự biết ơn bằng những lời ngọt ngào này nọ. Thậm chí còn nó chưa biết cười đáp lại. Nó chỉ biết khóc và khóc to hơn nữa để giao tiếp. Phải chăm sóc, âu yếm. Phải làm mọi thứ không tính toán thiệt hơn. Bên nó, người cha sẽ đồng thời còn học được giá trị của cái gọi là sự có mặt.
Being present- có mặt- là một khái niệm mà tiếng Việt tôi không biết diễn tả như thế nào. Sự có mặt ấy không chỉ là bạn có ở đó, mà bạn thực sự có ở đó. Trải nghiệm và thấy. Being present bên cạnh vợ và con, những người quan trọng với mình và biết cái sự có mặt ấy có ý nghĩa. Tôi nghĩ rất nhiều người đàn ông đã không coi trọng giá trị và sự mất mát của việc being present với vai trò là chồng, là cha, là bạn đời.
Và cho dù than phiền về tình thế tiến thoái lưỡng nan của bản thân. Trong bài trước, tôi nói đến việc thiệt thòi của mình, những cái giá phải trả vì là phụ nữ như tôi ở đây bên cạnh các em và cháu. Nhưng làm những việc tôi đang làm, tôi vẫn cảm thấy may mắn. Vì được sinh ra với cái cơ thể nữ này, tôi có thể thấy, để ở bên, để có mặt bên các em, các cháu. Dù không nhiều nhưng chắn chắn tôi cảm thấy sự có mặt ấy có ý nghĩa không chỉ với họ mà cả với mình.
Nếu tôi là anh, em trai, có lẽ tôi sẽ đến, dành 5 phút, bẹo má nó vài cái, cho nó vài đồng, hỏi thăm vài câu. Và rồi đã cảm thấy thỏa mãn với chính mình. Mình đã làm xong một việc tốt, nên làm! Nếu tôi sinh ra là con trai (nếu không/chưa có con, hoặc có mà không ở bên) tôi sẽ chẳng biết gì về việc đứa trẻ và người mẹ nó trải qua thế nào. Bất kể tôi có chị, em gái, nếu tôi không quyết tâm phá vỡ cái trật tự bất thành văn cho phép chỉ chị em gái lại gần mà giúp đỡ bà đẻ như hiện nay.
Còn nhiều điều mà nghiên cứu kia chưa nói như sự bất bình đẳng trong đời sống tình dục, sức khỏe sinh sản và tình dục, cùng những thứ khác. Tôi sẽ nói trong một bài viết khác. Tuy thế tôi không khỏi cảm thấy buồn khi nghĩ đến chuyện một người phụ nữ vừa mới sinh con ra; mệt mỏi, thiếu ngủ và đau đớn. Nhất là tình hình hiện nay, cứ đi sinh khả năng bị mổ và rách rồi khâu sẽ rất cao. Nghe nói rất đau, nhất là thêm một combo vừa bị đau do vết khâu lại bị thêm táo bón, rồi đau tức ngực/tức tai khi sữa về, etc. Nhiều phụ nữ còn phải hao tâm lo lắng về việc cơ thể của mình không còn hấp dẫn, phải lo giữ da, giữ dáng để giữ thể diện cho mình, cho chồng. Họ còn làm thế để giữ chồng !
Nghĩ về người phụ nữ “lợn thì kêu, con khóc, chồng lại đòi tòm tem (4)” của thời xưa, tôi lại nghĩ đến người phụ nữ mới sinh con thời hiện tại. Tha một cơ thể mệt mỏi sau sinh, ôm đứa con khóc vì bú mãi sữa không ra. Nó cáu. Sữa về thì người mẹ, một tay ôm con, tay kia cầm chiếc bình để hứng sữa chảy, bụng lại còn phải thắt thêm chiếc đai hoặc bó lại trong chiếc quần nẹp bụng. Ai đã từng mặc thế đều biết chẳng phải dễ chịu gì. Cô đi qua chiếc gương, nhìn khuôn mặt của mình với những vết tàn nhang, đôi mắt bị sụp mí, lại mang thêm một vài nỗi lo nữa. Thử hỏi, người đàn ông tốn bao nhiêu tâm sức, năng lượng để đầu tư vào ngoại hình như thế và để giữ vợ? Rất nhiều người nói do phụ nữ tự lựa chọn, chứ ai bắt. Nhưng sự lựa chọn ấy đến từ những áp lực xã hội và có tính giới rất rõ ràng. Nó khiến những người nữ cảm thấy họ buộc phải làm thế.Và nhiều người tin là thật, là đúng như vậy, họ lại áp lực lên những người phụ nữ khác.
Nghiên cứu trên nói rất nhiều về việc những người phụ nữ này tốn rất nhiều thời gian và năng lượng để lo chuyện đầu tóc, ăn mặc vóc dáng của mình. Để duy trì một hình ảnh xứng đáng với địa vị của mình; không được mặc như bà già, hay quê quá. Phải đẹp nhưng không được sexy! Đẹp nhưng lại không được hoang phí, v,v,v,. Nghiên cứu này bổ sung thêm điều mà Nguyễn Võ Thu Hương nói về những người phụ nữ tầng lớp trung lưu thành thị thực thi “sự tự do” của mình thông qua việc chăm lo chuyện nội y sao cho sexy, phải thêm kỹ thuật để hâm nóng và giữ chồng. “Đoan trang trong phòng khách, dâm đãng trong phòng ngủ! “- người ta bảo nhau thế [3].
Nhiều cuộc nói chuyện cho thấy phụ nữ chưa đẻ/hoặc vừa đẻ đã phải lo chuyện mình màu sắc, độ khít của bộ phận sinh dục của mình. Cuộc trò chuyện trong dự án Bàn Lộn tôi biết có những chị em tự ti vì cô bé bị thâm sau khi sinh. Đầy rẫy những trang quảng cáo các dịch vụ làm hồng âm hộ hay thu hẹp âm đạo thế nào để giữ chồng cũng cho thấy điều ấy. Nếu những người phụ nữ tin vào điều này là đương nhiên, tôi nghĩ đến cái mà bên xã hội học nói đến bạo lực biểu trưng. Đó là một loại bạo lực mà chỉ một nhóm phải chịu đựng, không có ý định thay đổi, tin và chịu phục tùng những điều bất bình đẳng, thiên kiến như chyện đương nhiên.
Thế mà cuối cùng, mong muốn của người phụ nữ với người bạn đời của họ, có khi cũng chẳng khác hơn người chinh phụ thế kỷ 18:
Người trên ải bắc ngàn trùng
Chẳng hay có nghĩ như lòng thiếp đây
Ví như in hệt lòng này
Thì bao oán trách đêm ngày cũng tha
Chàng mà nghĩ như lòng thiếp chứ không chỉ biết như ông Phạm Duy, các chàng nhé. Biết lắm, làm cả vài bài hát ca ngợi sự hy sinh, đức hạnh của vợ, nhưng khi ra ngoài, không chỉ chinh chiến trong sự nghiệp mà còn bên bàn nhậu và quán karaoke, bên cơ thể trẻ đẹp, bên những men say và lời qua đỡ lại...lại cần thêm nhiều cơ thể nữa để có cảm hứng. Để thấy mình đàn ông và cất cái biết của mình đi.
Biết thế mà biết ư? Sự biết nếu đủ và thực sự- tôi là người thực dụng- cứ phải thấy bằng sự thực mới tin! Mà thấy bằng một sự cam kết thực sự hãy tin, các mẹ ạ. Hy vọng những người đàn ông tốt, hãy dùng sự cam kết ấy, những việc làm cụ thể, thực sự của mình làm check list, thay chỉ vì ngợi ca hoặc im lặng.
[1] Higgins, Rylan1 Nov2015, Vol. 36 Issue 2, p74-86. 13p [2] Mà may là cũng còn nhờ nỗi sợ này, mà những người phụ nữ lớn tuổi, có cơ hội lao động và kiếm tiền tốt hơn hẳn nam giới ở nông thôn sau 50 tuổi trở đi và khiến nhiều người phụ nữ trở thành trụ cột, đi kiếm tiền gửi về lo việc nhà và nuôi chồng.
[3] đây là một trong vô số những bài mình thấy trên mạng. Có vẻ như nó được đến cùng một nguồn, nhưng người ta đã trả tiển để tạo nên rất nhiều trang trên FB đều dẫn đến trang dậy các bà vợ thổi kèn. yuk!
(4) có một bài thơ được cho là của Hồ Xuân Hương như sau: Hỡi chị em ơi có biết không, Một bên con khóc một bên chồng. Bố cu lổm ngồm bò trên bụng, Thằng bé hu hơ khóc dưới hông. Tất cả những là thu với vén, Vội vàng nào những bống cùng bông. Chồng con cái nợ là như thế, Hỡi chị em ơi có biết không?
ảnh không bị crop của mẹ con mèo:
Comments